Thị trường tinh bột sắn, tinh bột biến tính Việt Nam và Thái Lan

Việt Nam có cơ hội khi Trung Quốc đang tìm cách giảm nhập khẩu tinh bột biến tính của Thái Lan, tăng nhập khẩu tinh bột sắn biến tính từ Việt Nam. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia Việt Nam vẫn nhận định là “bỏ trứng vào một rỏ”, trong khi Thái Lan tăng trưởng mạnh xuất khẩu tinh bột biến tính sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu.

1. Cơ sở dữ liệu

Để thu thập các dữ liệu một cách chính xác là khó khăn, do mỗi chính phủ có cách thức thống kê và công bố dữ liệu khác nhau. Con số dựa trên mỗi dữ liệu có thể xê dịch từ 2-5%, vì vậy bạn đọc vui lòng bỏ qua nếu tôi có sai sót nhiều ít trong quá trình phân tích.

Các dữ liệu trong bài viết này được dựa trên cơ sở các nguồn khá uy tín bao gồm:

Trong các dữ liệu này, dữ liệu BACI, CEPII được ưu tiên hơn do nó có tính chất quốc tế và được sử dụng nhiều trong nghiên cứu thị trường. Khi so sánh dữ liệu giữa BACI, CEPII và dữ liệu của các cơ quan chính phủ Thái Lan và Việt Nam, các kết quả có sự khác nhau từ 2-5%.

2. Diện tích trồng sắn của Thái Lan và Việt Nam

Theo Báo chính phủ, năm 2021 diện tích sắn cả nước đạt 528.000 ha, tập trung chủ yếu tại 5 vùng chính gồm: Trung du miền núi phía bắc, vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Tổng sản lượng sắn cả nước ước đạt gần 10,7 triệu tấn với năng suất bình quân 20,3 tấn/ha.

Theo Báo cáo năng suất của hiệp hội sắn Thái Lan, năm 2021 diện tích sắn của Thái Lan đạt 1,6 triệu ha, tổng sản lượng ước đạt gần 33.5 triệu tấn với năng suất bình quân 20,8 tấn/ha.

Biểu đồ 1. Diện tích trồng sắn Thái Lan từ 2004 – 2022
Biểu đồ 2. Năng suất trồng sắn Thái Lan (tấn/ha) từ 2004 – 2022

3. Xuất khẩu sắn của Thái Lan và Việt Nam

Theo thống kê từ Hiệp hội sắn Thái Lan, năm 2022 Thái Lan xuất khẩu 3,759,268 tấn tinh bột sắn trị giá $1,768,326,935 ; và 1,139,087 tấn tinh bột biến tính trị giá $920,220,025.

Cũng trong năm này, Thái Lan xuất khẩu 6,277,974 tấn sắn lát, viên nén, pulp, và hạt chân trâu trị giá $1,536,070,481.

Nếu tính gộp tinh bột sắn, sắn lát, pellet, bột, và trân châu, tổng giá trị xuất khẩu sắn của Thái Lan là 11,176,329 tấn trị giá $4,224,617,441.

Theo thống kê từ Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Việt Nam số ra ngày 20/12/2022, trong 11 tháng của năm 2022 Việt Nam xuất khẩu 2,182,691 tấn tinh bột sắn trị giá $1,052,340,000. Báo cáo của Việt Nam không có con số cụ thể tinh bột biến tính.

Cũng trong năm này, Việt Nam xuất khẩu 693,634 tấn sắn lát trị giá $203,171,000; và 1.915 tấn sắn tươi trị giá $2,434,000.

Nếu tính gộp tinh bột sắn, sắn lát, sắn củ tươi đã qua chế biến, tổng giá trị xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam là 2,878,240 tấn trị giá $1,257,945,000 .

Biểu đồ. Sắn và các sản phẩm từ sắn tính theo phần trăm

4. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan

4.1. Thị trường xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam và Thái Lan

Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 1,15 tỷ đô la tinh bột, trở thành nước xuất khẩu tinh bột lớn thứ 2 thế giới. Cùng năm đó, tinh bột là sản phẩm xuất khẩu nhiều thứ 60 tại Việt Nam. Các điểm đến chính của tinh bột xuất khẩu từ Việt Nam là: Trung Quốc (1,09 tỷ đô la), Đài Loan (20,1 triệu đô la), Philippines (14,3 triệu đô la), Hoa Kỳ (4,59 triệu đô la) và Malaysia (4,34 triệu đô la).

Các thị trường xuất khẩu tinh bột tăng trưởng nhanh nhất của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2022 là Trung Quốc (174 triệu đô la), Philippines (11 triệu đô la) và Đài Loan (5,38 triệu đô la).

Năm 2022, Thái Lan đã xuất khẩu 1,84 tỷ đô la tinh bột, trở thành nước xuất khẩu tinh bột lớn nhất thế giới. Cùng năm đó, tinh bột là sản phẩm xuất khẩu nhiều thứ 30 tại Thái Lan. Các điểm đến chính của xuất khẩu tinh bột từ Thái Lan là: Trung Quốc (1,09 tỷ đô la), Indonesia (145 triệu đô la), Đài Bắc (144 triệu đô la), Malaysia (84,2 triệu đô la) và Hoa Kỳ (79 triệu đô la).

Các thị trường xuất khẩu tinh bột tăng trưởng nhanh nhất của Thái Lan trong giai đoạn 2021-2022 là Indonesia (119 triệu đô la), Malaysia (37,4 triệu đô la) và Philippines (25,5 triệu đô la).

Biểu đồ 1 . Thị trường xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam và Thái Lan
Biểu đồ 2. Thị trường xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam (đỏ) và Thái Lan (xanh)

4.2. Thị trường xuất khẩu tinh bột sắn biến tính của Việt Nam và Thái Lan

Năm 2022, Thái Lan đã xuất khẩu 991 triệu đô tinh bột biến tính, trở thành nước xuất khẩu tinh bột biến tính lớn thứ 1 thế giới. Cùng năm đó, tinh bột biến tính là sản phẩm xuất khẩu nhiều thứ 54 tại Thái Lan.

Các thị trường xuất khẩu chính của tinh bột biến tính Thái Lan là: Nhật Bản (258 triệu đô la), Trung Quốc (219 triệu đô la), Indonesia (86,4 triệu đô la), Hàn Quốc (79,1 triệu đô la) và Hoa Kỳ (63 triệu đô la).

Các thị trường xuất khẩu tinh bột biến tính tăng trưởng nhanh nhất của Thái Lan trong giai đoạn 2021-2022 là Nhật Bản (27,9 triệu đô la), Hoa Kỳ (21,5 triệu đô la) và Hàn Quốc.

Năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu 160 triệu đô la tinh bột biến tính, trở thành nước xuất khẩu tinh bột biến tính lớn thứ 9 trên thế giới. Cùng năm đó, tinh bột biến tính là sản phẩm xuất khẩu nhiều thứ 315 tại Việt Nam.

Các thị trường xuất khẩu chính của tinh bột biến tính Việt Nam là: Trung Quốc (109 triệu đô la), Nhật Bản (25,6 triệu đô la), Đài Bắc (4,99 triệu đô la), Philippines (4,36 triệu đô la) và Hàn Quốc (3,81 triệu đô la).

Các thị trường xuất khẩu tinh bột biến tính tăng trưởng nhanh nhất của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2022 là Trung Quốc (32,5 triệu đô la), Nhật Bản (5,54 triệu đô la) và Nga (2,71 triệu đô la).

Biểu đồ 1. Thị trường xuất khẩu tinh bột sắn biến tính của Việt Nam và Thái Lan
Biểu đồ 2. Thị trường xuất khẩu tinh bột sắn biến tính của Việt Nam (đỏ) và Thái Lan (xanh).

5. Tăng trưởng qua các thời kỳ (2000-2022)

5.1. Xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam và Thái Lan từ 2000-2022

Từ năm 2000 đến năm 2022, Thái Lan và Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc về sản xuất và xuất khẩu tinh bột sắn. Theo số liệu từ BACI, CEPII, tổng giá trị xuất khẩu tinh bột sắn của Thái Lan là $1,8 tỷ (2022), $1,68 tỷ (2021), $1,17 tỷ (2020), $1,27 tỷ (2019) và $1,38 tỷ (2018).

Tương tự, tổng giá trị xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam là $1,15 tỷ (2022), $950 triệu (2021), $833 triệu (2020), $874 triệu (2019), và $754 triệu (2018).

Biểu đồ 1. Xuất khẩu tinh bột sắn Việt Nam và Thái Lan từ 2000 – 2022 (dữ liệu BAIC, CEPII).
Biểu đồ 2. Xuất khẩu tinh bột sắn Việt Nam và Thái Lan từ 2000 – 2022 (dữ liệu BAIC, CEPII).

5.2. Xuất khẩu tinh bột sắn biến tính của Việt Nam và Thái Lan từ 2000 – 2022

Theo dữ liệu Cơ sở phân tích thương mại quốc tế, Trung tâm nghiên cứu và chuyên môn về kinh tế thế giới của Pháp, Thái Lan là quốc gia xuất khẩu tinh bột biến tính lớn nhất thế giới. Để đạt được điều này, Thái Lan đã tập trung phát triển ngành tinh bột biến tính từ rất sớm, nhiều chuyên gia cho rằng đó nhờ sự giúp đỡ về mặt tài chính và công nghệ của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Có thể thấy xuất khẩu sang Nhật Bản luôn chiếm ở mức cao trên 30% trong tổng giá trị xuất khẩu tinh bột biến tính của Thái Lan, theo sau là Trung Quốc (19-22%) và Indonesia (9-10%), Hàn Quốc (7-8%). Thị trường tăng trưởng mạnh nhất là Hoa Kỳ (tăng trưởng 51,8% trong 5 năm)

Việt Nam đã có sự phát triển thần kỳ trong những năm vừa qua với sự tăng trưởng vượt bậc nhờ xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Tuy nhiên ngành tinh bột biến tính Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.

Trong thời kỳ đầu (2000-2017), phần lớn tinh bột biến tính tại Việt Nam được xuất khẩu đi Nhật Bản (trên 50%), đến năm 2017 khi có sự tham gia liên kết của các doanh nghiệp Trung Quốc, xuất khẩu tinh bột biến tính của Việt Nam đi Trung Quốc với có sự thay đổi đáng kể.

Năm 2021, lần đầu tiên Trung Quốc chiếm gần 70% tổng giá trị xuất khẩu tinh bột biến tính của Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân Trung Quốc muốn thoát sự phụ thuộc vào tinh bột biến tính từ sắn của Thái Lan, và Trung Quốc cũng đã nghiên cứu làm chủ được nhiều phương pháp chế biến tính bột biến tính hiện đại.

Biểu đồ 1. Xuất khẩu tinh bột sắn biến tính Việt Nam và Thái Lan từ 2000 – 2022 (dữ liệu BAIC, CEPII).
Biểu đồ 2. Xuất khẩu tinh bột sắn biến tính Việt Nam và Thái Lan từ 2000 – 2022 (dữ liệu BAIC, CEPII).

6. Nhận định

Xuất khẩu tinh bột sắn đã có sự ổn định thị trường, Việt Nam đã trở thành nhà xuất khẩu tinh bột lớn thứ hai thế giới thể hiện sự vươn lên mạnh mẽ và sự quyết tâm của chính phủ và các doanh nghiệp. Tuy nhiên như nhiều chuyên gia nhận định “bỏ trứng vào một rỏ”, xuất khẩu Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc khi chiếm hơn 92% tổng giá trị xuất khẩu. Các thị trường ngoài Trung Quốc như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU, cho tới các quốc gia láng giềng như Indonesia, Malaysia giá trị xuất khẩu còn rất thấp.

Việt Nam đang có cơ hội tốt từ thị trường tinh bột biến tính Trung Quốc, dấu hiệu xuất khẩu tinh bột biến tính Việt Nam tăng trưởng vượt bậc từ năm 2017. Đến năm 2022, Trung Quốc thay thế Nhật Bản là khách hàng nhập khẩu tinh bột biến tính lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 70%.

Nhiều chuyên gia nhận định nguyên nhân Trung Quốc nghiên cứu và phát triển sản xuất tinh bột biến tính nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu tinh bột biến tính từ Thái Lan, xuất khẩu sắn vào Trung Quốc thông qua các doanh nghiệp liên doanh hoặc sử dụng công nghệ Trung Quốc chưa đem lại lợi ích nhiều cho Việt Nam.

Việt Nam cần đẩy mạnh công nghệ sản xuất tinh bột biến tính, đặc biệt là phải sở hữu được công nghệ sản xuất tinh bột biến tính, điều này có thể được làm thông qua liên doanh, chuyển giao công nghệ, hoặc tự nghiên cứu và phát triển giống như một số doanh nghiệp Thái Lan.

Bài nghiên cứu có thể còn có nhiều sai sót, kính mong quý bạn góp ý ở mục comment.

Author: Nguyễn Bảo Nguyên,