Việt Nam có nguồn lực nội địa quan trọng bao gồm diện tích trồng sắn lớn hàng đầu thế giới, nguồn lao động giá rẻ dồi dào, vị trí địa lý đắc địa. Để trở thành cường quốc tinh bột, Việt Nam cần thu hút vốn và hợp tác về mặt kỹ thuật với các tập đoàn tinh bột hàng đầu thế giới.
1. Những hạn chế của ngành sắn Việt Nam
Thuận lợi cũng là hạn chế lớn nhất, là sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (chiếm hơn 90% lượng sắn bán ra), điều này gây ra rất nhiều hệ luỵ khiến cho thị trường sắn Việt Nam không phát triển được, các hạn chế là:
- Thiếu công nghệ tân tiến hàng đầu thế giới
- Không có mối quan hệ thân thiết với các tập đoàn sản xuất tinh bột hàng đầu thế giới
- Thiếu mối quan hệ thương mại với các nước ngoài Trung Quốc, đặc biệt là Mỹ và châu Âu
- Chưa sản xuất đa dạng các sản phẩm từ sắn
- Doanh nghiệp tập trung sản xuất phục vụ thị trường Trung Quốc mà quên đi thị trường ngoài Trung Quốc còn rộng lớn hơn rất nhiều,
- Doanh nghiệp còn lo sản xuất hàng giá rẻ, kém chất lượng
- Doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư máy móc, công nghệ
- Mất dần khả năng cạnh tranh thị trường quốc tế
- Nhiều doanh nghiệp lệ thuộc, nguy cơ phá sản khi Trung Quốc giảm mua
2. Những điều kiện thuận lợi của ngành sắn Việt Nam
Việt Nam là nước có điều kiện thuận lợi nhất để trở thành cường quốc sản xuất tinh bột sắn và các sản phẩm về tinh bột sắn, dưới đây là những thuận lợi của Việt Nam:
- Có quốc gia hàng xóm Trung Quốc là bạn hàng, nhà tiêu thụ lớn nhất thế giới
- Có khả năng thu hút vốn FDI, thu hút công nghệ tân tiến hàng đầu thế giới
- Có diện tích trồng sắn lớn hàng đầu thế giới
- Có nguồn lao động giá rẻ dồi dào, khéo léo, chăm chỉ hàng đầu thế giới
- Có sự quan tâm của chính phủ
- Có kinh nghiệm sản xuất sắn, có lực lượng lao động, nông dân, số lượng doanh nghiệp sắn hàng đầu thế giới
- Có vị trí địa lý thuận lợi xuất khẩu hàng đầu thế giới
- Có nguồn nguyên vật liệu lớn hàng đầu thế giới (giáp hai nước láng giềng Lào và Cambodia có thể tận dụng được nguồn nguyên vật liệu khi có thiên tai, mất mùa, sâu bệnh)
- Có uy tín và thương hiệu trong ngành nông sản hàng đầu thế giới
3. Việt Nam phải làm gì để trở thành nhà sản xuất tinh bột sắn hàng đầu thế giới?
Để trở thành nhà sản xuất tinh bột sắn đứng đầu thế giới, Việt Nam cần có tư duy và mong ước đứng đầu thế giới, có khả năng cạnh tranh với các nước Mỹ, Nhật, và châu Âu. Ngoài ra, tận dụng tối đa những thuận lợi sẵn có, khắc phục hạn chế, và phải có một doanh nghiệp mạnh nhất đứng ra thu hút nguồn lực trong nước và ngoài nước.
3.1. Tư duy đứng đầu
Doanh nghiệp Việt Nam phải có tư duy đứng đầu ngành sắn thế giới,
Có rất nhiều nước muốn đứng đầu thế giới trong thị trường sắn nhưng họ không có điều kiện thuận lợi, ví dụ như Nigeria có diện tích trồng sắn lớn hàng đầu thế giới nhưng vị trí địa lý, cảng biển của họ không thuận lợi để đạt vị trí đứng đầu thế giới. Indonesia có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng họ không thể đứng đầu thế giới vì họ không có một người hàng xóm Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất giống như Việt Nam.
Thái Lan mặc dù không có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, tổng giá trị xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của Thailand năm 2022 là 4,4 tỷ USD, trong khi Việt Nam là 1,4 tỷ USD. Hiện nay Thái Lan là nước đứng hàng đầu thế giới ngành sắn, và cũng là một trong những cường quốc tinh bột trên thế giới.
Việt Nam rõ ràng có nhiều điều kiện thuận lợi hơn Thái Lan, nếu chúng ta có khao khát mạnh mẽ, và biết tận dụng các cơ hội thì Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên trở thành cường quốc ngành sắn nói riêng và tinh bột nói chung.
3.2. Tận dụng tối đa thuận lợi sẵn có
Nếu biết tận dụng tối đa thuận lợi sẵn có mà tôi đã nhắc ở mục (2), ngành sắn Việt Nam có thể phát triển hơn gấp 3, gấp 5 lần hiện tại.
3.2.1. Phải bán được nhiều hơn cho Trung Quốc
Nhờ thuận lợi về mặt địa lý gần với Trung Quốc, và Trung Quốc là nhà tiêu thụ sắn lớn nhất thế giới, Việt Nam phải tìm cách bán được nhiều hơn cho Trung Quốc.
Việt Nam đã bán được rất nhiều sắn cho Trung Quốc rồi, nhưng phải bán được nhiều hơn nữa. Hiện tại Trung Quốc mua rất nhiều sắn của Việt Nam vì giá rẻ, và vị trí địa lý thuận lợi sát Trung Quốc. Mặc dù vị trí địa lý của Thái Lan ở xa hơn Việt Nam, giá có thể cao hơn, nhưng Trung Quốc vẫn mua rất nhiều sắn của Thái Lan (?).
Tôi đã từng nói chuyện với chủ một doanh nghiệp sắn lớn nhất Tây Ninh, ông nói với tôi rằng chất lượng sắn của Thái rất tốt. Tôi từng giúp nhiều doanh nghiệp chào hàng đi nước ngoài, có nhiều doanh nghiệp ở Nam Phi nói rằng họ từng mua sắn Việt Nam, nhưng chất lượng không đảm bảo nên họ chuyển qua mua của Thái Lan và rất hài lòng.
Nếu Việt Nam làm được chất lượng sắn ngang bằng với Thái Lan, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt như doanh nghiệp Thái, thì Trung Quốc sẽ quay sang mua hàng của Việt Nam vì vị trí địa lý của Việt Nam thuận lợi hơn (gần hơn), và về mặt chính trị thì dù sao Việt Nam cũng là bạn tốt và là hàng xóm thân tình với Trung Quốc.
3.2.2. Phải thu hút được nguồn vốn FDI, doanh nghiệp, và công nghệ nước ngoài
Ở Mỹ và châu Âu, hàng chục doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm nhận được hàng chục triệu USD vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư và tập đoàn thực phẩm mỗi năm. Các quỹ đầu tư và tập đoàn lớn nhận thấy tiềm năng của các doanh nghiệp khởi nghiệp và họ đầu tư vào chúng. Nếu những tập đoàn này nhận thấy tiềm năng từ ngành sắn Việt Nam, họ sẽ không ngại đổ vốn vào đó.
Thái Lan ngày trước cũng giống Việt Nam, họ không có vốn, không có công nghệ, về sau họ biết thu hút nguồn lực vốn và công nghệ từ các nước tiên tiến nên họ vươn lên rất nhanh và trở thành nước đứng đầu về sắn.
Nhiều doanh nghiệp của Thái Lan đã đầu tư xây dựng nhà máy tại thị trường Việt Nam, điển hình như Tay Ninh Tapioca JSC (do ThaiWah đầu tư), họ khai thác nguyên liệu của Việt Nam, sau đó xuất sang Indonesia. Mỗi năm Indonesia mua của Thái hơn 30 triệu USD, nhưng chỉ mua của Việt Nam với số lượng rất ít.
Các doanh nghiệp và tập đoàn tinh bột hàng đầu thế giới đều có khao khát mở rộng thị trường của họ, đồng thời họ cũng có mối lo về việc tinh bột sắn giá rẻ từ châu Á đang cạnh tranh về giá với tinh bột ngô, khoai, lúa mì.
Ingredion là tập đoàn tinh bột hàng đầu thế giới của Mỹ đã nắm bắt cơ hội này từ lâu, họ đầu tư sản xuất tại Thái Lan, tận dùng nguồn nguyên liệu và lao động giá rẻ, sản xuất ra các sản phẩm tinh bột, tinh bột biến tính giá rẻ từ sắn, sau đó xuất khẩu về lại Mỹ, châu Âu, và khắp thế giới. Năm 2018 Ingredion đã lập kế hoạch đầu tư 60 triệu USD vào châu Á (chủ yếu là Thái Lan) để mở rộng thị trường.
Việt Nam cần có nguồn vốn và công nghệ từ các tập đoàn hàng đầu thế giới như Ingredion đến đầu tư và sản xuất. Ngược lại, các tập đoàn hàng đầu thế giới cũng đang rất cần một nơi có vị trí địa lý thuận lợi, có nguồn nguyên liệu dồi dào, lực lượng lao động giá rẻ tinh nhuệ, để họ mở rộng thị trường và cạnh tranh với Thái Lan (vốn đang cạnh tranh với sản phẩm tinh bột từ ngô, lúa mì của họ).
Hầu hết các tập đoàn lương thực, cũng như tinh bột hàng đầu thế giới đều có chiến lược đầu tư và mở rộng sản xuất tại châu Á, điều họ cần là một lời mời chào chân thành, một điều kiện thuận lợi từ chính phủ, một đối tác tương đồng về chiến lược, và một đồng minh tin cậy.
Có rất nhiều tập đoàn tinh bột hàng đầu thế giới mà Việt Nam nên mời chào, bên cạnh đó cũng có hàng nghìn quỹ đầu tư, nhà đầu tư, những cái tên xuất chúng mà tôi tin rằng nên gửi lời mời hợp tác là:
- ADM – Archer Daniels Midland
- AGRANA International
- Grain Processing Corporation
- The Tereos Group
- Interstarch GmbH
- Kroener Staerke
- AKV
- ANORA
- Royal Avebe
- AWW
- BENEO GmbH
- Cargill
- COPAM – Companhia Portuguesa de Amidos, S.A.
- Crespel & Deiters
- Emsland Group
- Finnamyl
- Hungrana Keményítő
- Ingredion
- The Jäckering Group
- KMC
- Lantmännen
- Lyckeby
- Novidon
- Omnia
- Roquette Frères
- Sacchetto
- Sedamyl
- Skrobarny
- Suedstaerke
- Tate & Lyle
- Viresol
3.2.3. Quy hoạch bền vững, đáp ứng với biến đổi khí hậu
Việt Nam có diện tích trồng sắn lớn hàng đầu thế giới, tuy nhiên chúng ta cũng cần lường trước những khó khăn và thử thách trong môi trường biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay.
Năm 2023, Thái Lan đã phải đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng nguồn nguyên vật liệu sản xuất sắn và các sản phẩm từ sắn, nguyên nhân do tình trạng nắng nóng chưa từng thấy. Vài tháng sau đó, tháng 2/2024, đại diện của Thái Lan là công ty ThaiWah phối hợp với các tổ chức và doanh nghiệp sản xuất tinh bột hàng đầu thế giới như Ingredion và Roquette, tổ chức hội nghị “12th Starch Value Chain ASIA” tại Vientiane, Laos nhằm đề ra hướng phát triển bền vững, giúp đỡ các nước Đông Nam Á phát triển bền vững với các giống sắn chất lượng cao có khả năng đáp ứng biến đổi khí hậu, từ đó cũng góp phần đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho Thái Lan.
Các nhà sản xuất thực phẩm nói chung và tinh bột nói riêng trên thế giới ngày nay đều cam kết phát triển bền vững (Sustainable). Khi dân số toàn cầu tiếp tục tăng, các hoạt động nông nghiệp bền vững là điều cần thiết để đảm bảo an ninh lương thực lâu dài đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường. Đây cũng là mục tiêu rất rõ và quan trọng của chính phủ Việt Nam, được thể hiện thông qua Quyết định Phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”
3.2.4. Tổ chức các chương trình tư vấn, hỗ trợ, và đào tạo người nông dân trồng và chăm sóc cây sắn
Doanh nghiệp ngành sắn không nên nghĩ rằng mối quan hệ với người nông dân là nhiệm vụ của chính phủ, bỏ mặc trách nhiệm với người nông dân. Thực tế mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người nông dân là mối quan hệ sống còn.
Các doanh nghiệp sắn hàng đầu của Thái Lan có chương trình thăm hỏi bà con nông dân, hàng tuần, hàng tháng họ cử chuyên viên giám sát chất lượng xuống từng hộ gia đình để thăm hỏi và nắm bắt tình hình trồng trọt của người nông dân, nếu người nông dân gặp vấn đề gì họ lập lức giúp đỡ, chiến lược này giúp đảm bảo nguồn cung và xây dựng mối quan hệ bền chặt với người nông dân.
Việc xây dựng mối quan hệ với người nông dân không tốn kém chi phí, lực lượng nhân viên có thể tận dụng từ bộ phận giám sát chất lượng, nhưng hiệu quả mang lại rất lớn, đó là niềm tin từ bà con nông dân và sự an tâm từ khách hàng.
Như vậy, doanh nghiệp cần có trách nhiệm đối với người nông dân, coi họ là đối tác và là nguồn sống của doanh nghiệp. Vì nếu mối quan hệ với người nông dân tốt đẹp, họ sẽ bảo vệ doanh nghiệp, cung cấp cho doanh nghiệp những nguyên liệu chất lượng nhất, đảm bảo giúp doanh nghiệp những tiêu chuẩn và chất lượng mà doanh nghiệp muốn có được.
Để làm được điều này, doanh nghiệp cần đồng hành cùng với chính phủ, thường xuyên thăm hỏi, gặp gỡ, lắng nghe, tư vấn, hỗ trợ, và đào tạo cho người nông dân, lấy người nông dân làm gốc trong hoạt động kinh doanh của mình.
Doanh nghiệp không nên bỏ mặc người nông dân tự túc canh tác, thuận mua vừa bán, ép giá, coi người nông dân là món lợi để khai thác, vì như thế người nông dân sẽ không hết lòng vì cây sắn, họ chỉ chăm chăm dùng nhiều thuốc sâu, hoá chất, để cây lớn nhanh, thu lợi nhuận, mà không quan tâm tới các vấn đề tiêu chuẩn chất lượng.
3.2.5. Phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và chính phủ
Thực tế cho thấy trong bất kỳ ngành công nghiệp nào, người hiểu rõ thị trường nhất là các doanh nghiệp chứ không phải chính phủ. Nếu để chính phủ phải tự nghiên cứu và đưa ra các chính sách mà không có sự đóng góp nhiệt tình, sát sao của toàn bộ doanh nghiệp, thì khó lòng đạt được kết quả như kỳ vọng.
Để ngành sắn Việt Nam phát triển vượt bậc thì các doanh nghiệp phải quan tâm nghiên cứu sâu rộng thị trường toàn cầu, nắm bắt các cơ hội và thách thức, chủ động gắn kết với các cơ quan chính phủ, đề xuất các kiến nghị có lợi, các ý tưởng, đường lối có lợi cho toàn ngành.
Hầu hết các hội nghị ngành sắn tại khu vực Đông Nam Á đều do các doanh nghiệp đứng đầu của Thái Lan đứng ra phối hợp với chính phủ tổ chức. Điều này cho thấy doanh nghiệp Thái, đặc biệt là những doanh nghiệp đầu ngành rất chú trọng và nhiệt tình trong các công tác xây dựng chính sách phát triển tại đất nước và khu vực.
3.2.6. Giảm doanh nghiệp nhỏ, xây dựng tập đoàn lớn
Doanh nghiệp nhỏ lẻ gặp điều kiện khó khăn thì rất dễ thất bại, thống kê tại Nhật và Hàn Quốc cho thấy các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ chỉ tồn tại được 10-20 năm, nếu may mắn họ sẽ bán mình cho một tập đoàn lớn và đổi lại một chút cổ phần, nếu không họ sẽ phải chịu phá sản và mất toàn bộ.
Doanh nghiệp sắn Việt Nam nên hướng tới mô hình tập đoàn quy mô hàng đầu thế giới, thay vì hàng trăm nhà máy sản xuất nhỏ lẻ như hiện tại. Điều này có thể hoàn toàn trở thành hiện thực nếu các doanh nghiệp nhỏ có sự gắn kết chặt chẽ và tin tưởng lẫn nhau. Khi kết hợp, các doanh nghiệp nhỏ vẫn đảm bảo tài sản (là vốn góp), thực quyền (quyền tham gia điều hành), và lợi nhuận.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ ở châu Âu đã nhận ra điều này từ rất sớm, họ lập tức thanh lý tài sản cho các doanh nghiệp ở các nước kém phát triển, lấy lại vốn và tham gia và xây dựng một tập đoàn lớn hơn. Thực tế cho thấy tại châu Âu, chỉ có chưa tới 30 tập đoàn nhưng chiếm tới hơn 95% sản lượng tinh bột của toàn châu Âu.
3.2.7. Hợp tác chặt chẽ với Lào và Cambodia nhằm đảm bảo nguồn cung
Biến đổi khí hậu là mối nguy và là thách thức rất lớn đối với ngành nông nghiệp, tình trạng hạn hán, bão lũ, thời tiết cực đoan ngày càng nghiêm trọng hơn, mối lo thiếu nguồn nguyên liệu là hiện hữu.
Doanh nghiệp Việt Nam nên mở rộng các mối quan hệ hợp tác, trao đổi, mở rộng thị trường sang nước bạn Lào và Cambodia, để phòng nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu khi có mất mùa, sâu bệnh.
3.3. Khắc phục mọi hạn chế
Ngoài việc tận dụng và phát huy các thuận lợi sẵn có, doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn rõ các hạn chế để khắc phục.
3.3.1. Tiếp cận công nghệ tiên tiến nhất
Công nghệ là yếu tố cốt lõi quyết định sự thành bại của một doanh nghiệp, một doanh nghiệp nhỏ nhưng có công nghệ tiên tiến thì phát triển bền vững hơn một doanh nghiệp lớn nhưng thiếu công nghệ cao.
Chỉ có công nghệ mới giúp doanh nghiệp phát triển và thành công, nếu không có công nghệ thì một ngày doanh nghiệp chắc chắn sẽ phải thất bại.
Tôi biết một doanh nghiệp sắn sở hữu dây chuyền cũ của Đức, dù chỉ có năng suất chưa tới 200 tấn/ngày nhưng doanh nghiệp này luôn chạy hết công suất để phục vụ cho các khách hàng của họ ở châu Âu và Mỹ.
Ngược lại, tôi biết có doanh nghiệp sở hữu tới 4-5 dây chuyền sản xuất công nghệ lạc hậu, thì luôn luôn vất vả và lo lắng vì lợi nhuận thấp, việc bảo trì bảo dưỡng máy móc vô cùng vất vả.
Hiện nay các nhà sản xuất tinh bột hàng đầu thế giới đã nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất rất hiện đại, chuyên nghiệp, sản phẩm của họ có chất lượng siêu tốt (top notch). Nếu sở hữu được công nghệ của họ, kết hợp với những thuận lợi của Việt Nam, các doanh nghiệp sắn của Việt Nam có thể tự tin tham gia vào thị trường tinh bột toàn cầu.
Nếu như cách đây 50 năm, hãng Huyndai của Hàn Quốc đã đóng được con tàu vận tải biển lớn nhất thế giới nhờ tìm tới sự giúp đỡ của doanh nghiệp phương Tây, thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng hoàn toàn có thể làm tương tự để xây dựng một nhà máy tinh bột hàng đầu thế giới.
3.3.2. Xây dựng mối quan hệ hợp tác với các nhà sản xuất tinh bột hàng đầu thế giới
Trong một thế giới mà sự gắn kết toàn cầu là vô cùng quan trọng, thì các doanh nghiệp tại phương Tây và châu Âu cũng rất quan tâm tới khu vực Đông Nam Á, họ chắc hẳn cũng đang tìm kiếm một đối tác Việt Nam để mở rộng thị trường của họ.
Hãy nhìn bài học từ Ingredion, nhờ mở rộng thị trường tại Thái Lan từ sớm đã giúp họ phát triển vượt bậc. Các tập đoàn tinh bột hàng đầu thế giới khác chắc hẳn đều biết về chiến lược của Ingredion và cũng đang tìm cách xây dựng căn cứ của họ ở đâu đó tại Việt Nam hoặc Thái Lan.
Từ thực tế cho thấy trong suốt 2 thập kỷ qua, các tập đoàn hàng đầu thế giới đều tìm đến Việt Nam để xây dựng cứ điểm. Doanh nghiệp Việt Nam cần có tư duy “đôi bên cùng có lợi”, chúng ta cần công nghệ và nguồn vốn của Mỹ và phương Tây, ngược lại họ cũng cần nguồn nguyên liệu, vị trí địa lý thuận lợi, và tính chất “bản địa” của chúng ta.
Căn cứ vào đó, doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động tìm đến các tập đoàn tinh bột hàng đầu thế giới, đề nghị giúp đỡ, tiếp cận nguồn vốn và công nghệ của họ. Bên cạnh đó chúng ta cũng cần chuẩn bị đáp ứng nhưng yêu cầu của họ, đó là kinh nghiệm, nguồn vốn, chiến lược, và sự cam kết ủng hộ của chính phủ.
3.3.3. Xây dựng mối quan hệ khách hàng với các nhà sản xuất lương thực hàng đầu thế giới
Doanh nghiệp Việt Nam cần loại bỏ tư duy trung gian, cần bán thẳng trực tiếp cho khách hàng.
Các nhà sản xuất lương thực hàng đầu thế giới mà doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm là những người sử dụng tinh bột trong sản xuất sản phẩm của họ. Họ có thể là các công ty mì gói, bánh kẹo, than không khói, keo, giấy, v.v… Doanh nghiệp Việt Nam cần biết họ là ai, và chủ động liên lạc với họ.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin thì hiện nay nhiều nhà máy đã bán trực tiếp tới khách hàng của họ, không cần thông qua nhà phân phối nữa. Việc bán hàng trực tiếp giúp cắt giảm chi phí cho bên thứ 3, chăm sóc và lắng nghe khách hàng tốt hơn, nhờ đó lợi nhuận cao hơn và bền vững hơn.
Dựa vào công nghệ thông tin thì các nhà nghiên cứu thị trường có thể biết rõ công ty thực phẩm (bán kẹo, mì gói) lớn nhất tại một quốc gia là ai, để liên lạc và chào hàng trực tiếp tới họ. Doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu và nắm rõ khách hàng của họ là ai tại mỗi quốc gia, khu vực, từ đó tiếp cận trực tiếp và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng dựa trên cam kết chất lượng và mức giá phù hợp.
Nếu khách hàng trước đây phải mua tinh bột thông qua một công ty trung gian, ngày nay họ chỉ cần dành thời gian tìm kiếm trên Google là có thể biết ai là nhà sản xuất tinh bột hàng đầu tại Mỹ, liên hệ trực tiếp mua hàng mà không phải qua trung gian như trước.
3.3.4. Tập trung bán hàng sang khu vực ngoài Trung Quốc
Trong suốt nhiều thập kỷ qua, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chăm chăm bán hàng cho người hàng xóm khổng lồ Trung Quốc, trước tình thế này hẳn ai cũng có nhận định rằng các doanh nghiệp Việt đang “bỏ trứng vào một rỏ”. Vậy khi tình thế không thuận lợi, nếu chiếc rỏ này rơi, thế số phận chung của tất cả các doanh nghiệp sắn Việt Nam sẽ như nào, chắc hẳn bất cứ chủ doanh nghiệp nào cũng đều có thể mường tượng rõ.
Ngay bây giờ, ngoài việc duy trì và đẩy mạnh bán hàng hơn nữa sang Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam cần phải có ý thức khẩn trương, quyết liệt khám phá thị trường còn lớn hơn Trung Quốc rất nhiều, gọi chung là thị trường ngoài Trung Quốc.
Có nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi nhắc đến thị trường các nước châu Phi thì ngay lập tức chê nhỏ, chê kém phát triển, nhưng thực tế các nước châu Phi cũng nhập rất nhiều sắn từ Thái Lan.
Người Thái thì lại khác, họ xâm nhập sang tận Brazil và các nước Mỹ Latin – nơi cũng trồng rất nhiều sắn. Mexico và Peru thậm chí nhập nhiều sắn từ Thái Lan hơn từ Brazil.
3.3.5. Nghiên cứu và sản xuất đa dạng các sản phẩm từ sắn
Vấn đề sản xuất của các doanh nghiệp sắn Việt Nam còn rất hạn chế ở mặt sản phẩm. Từ sắn có thể sản xuất ra muôn vàn chủng loại sản phẩm khác nhau như tinh bột biến tính, đường, keo gián, thức ăn gia súc, phụ liệu ngành giấy, may mặc, v.v… nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chỉ sản xuất chủ yếu là sắn lát và tinh bột, một vài doanh nghiệp bắt đầu sản xuất tinh bột biến tính nhưng chất lượng không cao.
Tập đoàn SMS của Thái Lan chuyên sản xuất các sản phẩm tinh bột biến tính từ sắn, có tới trăm chủng loại sản phẩm, phục vụ cho gần 30 ngành sản xuất bao gồm thực phẩm, đồ uống, y tế, giấy, nhựa, chăm sóc sức khoẻ, thức ăn chăn nuôi, công nghiệp dệt may, công trình.
Tại Việt Nam, sản xuất tinh bột biến tính mới bắt đầu nhen nhóm và nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng thì không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp lớn nước ngoài. Cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất tinh bột biến tính đóng mác E (chủ yếu là E1412, E1414, E1420, và E1422, hơn một chút thì có E1440, E1442, Pregelatinized Starch, E1404, Cationic), khi một khách hàng hỏi mua thì họ yêu cầu khách hàng cung cấp chỉ số D.S rồi mới báo giá.
Ngược lại, nếu khách hàng đó mua hàng từ Thái, Mỹ, và châu Âu, họ chỉ cần nói tôi cần mua tinh bột biến tinh dùng trong sản xuất sản phẩm gì, thì nhân viên hỗ trợ kỹ thuật của công ty sẽ tư vấn cho họ biết nên dùng sản phẩm tinh bột biến tính nào ngay lập tức.
3.3.6. Tập trung vào tiêu chuẩn chất lượng
Phần đa doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng và các tiêu chuẩn chất lượng, vì trước giờ chỉ bán cho thị trường Trung Quốc nên không cần quan tâm đến các tiêu chuẩn quốc tế.
Có một vài doanh nghiệp nhen nhóm tìm cách xuất đi các thị trường khác thì cũng chỉ dừng lại ở một vài tiêu chuẩn trung bình như HACCP, ISO, Halal.
Rất hiếm doanh nghiệp Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn cần thiết như FSSC 22000, Organic, BRC, Kosher, v.v… Trong khi đây là điều kiện tối thiểu để bán hàng cho các doanh nghiệp thực phẩm uy tín trong khu vực, cũng như các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn, và châu Âu.
4. Tổng kết
Để xây dựng ngành sắn Việt Nam vững mạnh, doanh nghiệp cần khắc phục hạn chế, khai thác tối đa những thuận lợi sẵn có, thu hút vốn và huy động sự tham gia của các tập đoàn sản xuất tinh bột hàng đầu thế giới.
Tác giả: Nguyễn Bảo Nguyên,